Vững tay nghề, sáng tương lai

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

BẮC GIANG - Có tay nghề vững cùng ý thức kỷ luật tốt, sau quá trình học tập, rèn luyện, nhiều học sinh Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, thu nhập ổn định.

Vừa học văn hóa vừa học nghề

Học hết lớp 9, Nguyễn Thị Thuỳ Linh (SN 2007), xã Lan Giới (Tân Yên) xin làm công nhân tại một xưởng may gia công gần nhà song do không có tay nghề nên thu nhập thấp, chỉ đủ chi tiêu cá nhân. Được thầy cô tư vấn, tháng 9/2022, Linh chọn học nghề may theo mô hình 9+ tại Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang. Tại đây, Linh học song song chương trình nghề và chương trình văn hoá THPT. Đến nay, sau gần 2 năm, Linh đã thuần thục hầu hết các kỹ thuật của nghề may, được một số doanh nghiệp (DN) mời về làm sau khi kết thúc khoá học. Với chương trình phổ thông, Linh cũng đang học kỳ II của lớp 11 như các bạn cùng trang lứa. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên theo học mô hình 9+ là con đường ngắn nhất để em có bằng nghề, việc làm và thu nhập. Không những vậy, em còn có thêm bằng tốt nghiệp THPT để có thể học cao hơn trong tương lai”, Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ.

Giáo viên Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang hướng dẫn học sinh lớp trung cấp may thời trang thực hành.

Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang hiện có quy mô đào tạo gần 1,7 nghìn học sinh, sinh viên; trong đó, học sinh học hệ song bằng 9+ (học văn hóa THPT kết hợp với trung cấp nghề) khoảng 1 nghìn học sinh, còn lại là hệ cao đẳng, sơ cấp. Có mặt tại khu vực xưởng thực hành của nhà trường, chúng tôi chứng kiến các học viên lớp Trung cấp Điện tử công nghiệp hệ vừa học văn hóa vừa học nghề say sưa thực hành.

Bố mất sớm, mẹ không có việc làm ổn định nên gia đình em Địch Văn Hoạt (SN 2007), xã Xuân Lương (Yên Thế) luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, học hết lớp 9, Hoạt nộp hồ sơ đăng ký theo học hệ 9+ tại Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang. Theo lời Hoạt, ngay sau khi tốt nghiệp em sẽ đến một DN tại khu công nghiệp ở thị xã Việt Yên làm việc.

Khác với Hoạt, em Đàm Chiến Công (SN 2007), trú tại xã Đồng Hưu (cùng huyện Yên Thế) đăng ký theo học hệ 9+ tại trường với mong muốn sau khi tốt nghiệp THPT và có bằng nghề sẽ học liên thông lên cao đẳng để tìm cơ hội xuất khẩu lao động. “Nhiều anh chị khoá trước đã đi xuất khẩu lao động, mức lương tương đối cao. Em cũng hy vọng mình sang nước ngoài lao động như vậy nên bây giờ đang cố gắng học tập, có tay nghề tốt”.

Nâng chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường

Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang tiền thân là Trung tâm dạy nghề huyện Yên Thế được thành lập từ năm 2002, đến năm 2007 trở thành Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, ngày 29/4/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định thành lập Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang. Hiện nay, trường có 9 khoa, phòng chức năng chuyên đào tạo các ngành nghề như: May thời trang, điện - điện tử, cơ khí - động lực, hàn, công nghệ ô tô, chăn nuôi thú y... 

Để hỗ trợ học sinh tìm việc, những năm qua, nhà trường chủ động làm việc, hợp tác với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp 100% học sinh hệ 9+ được thực hành tại DN, hơn 90% học sinh được các DN tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp với vị trí việc làm đúng chuyên môn và mức thu nhập từ 10- 12 triệu đồng/tháng. Như trường hợp em Nguyễn Đức Hiếu, xã Đông Sơn (Yên Thế), cựu học sinh lớp Trung cấp Công nghệ ô tô K7 được tuyển dụng vào làm tại một đại lý ô tô lớn trên địa bàn tỉnh với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng. Để nâng cao tay nghề, Hiếu đang quay lại trường để học liên thông lên cao đẳng, hướng đến mục tiêu phát triển một gara ô tô của riêng mình. Hay như sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp nghề hàn, em Dương Văn Thắng, xã Xuân Lương (Yên Thế) mở một xưởng cơ khí tại nhà, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các khoản chi phí.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang, không chỉ có sức hấp dẫn đối với các em học sinh trên địa bàn tỉnh, rất nhiều học sinh các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Lạng Sơn cũng tìm về đây học tập, phát triển kỹ năng nghề  nghiệp. Đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của học sinh, thực hiện Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025, từ năm 2020 đến nay, từ các nguồn vốn, nhà trường đầu tư hơn 43 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học, nổi bật như: Mô phỏng thực hành nghề điện, công nghệ ô tô… Hiện nhà trường đang đầu tư xây dựng nhà 4 tầng với 48 phòng học và phòng chức năng, tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư, tỉnh. Dự kiến công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2024.

“Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục để mở thêm một số ngành, nghề mới như: Tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, thương mại điện tử, kế toán DN, công tác xã hội và dự kiến bắt đầu tuyển sinh trong năm học 2025-2026. Đối với hoạt động liên kết, nhà trường tiếp tục ký kết hợp hợp tác với gần 100 DN trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho học sinh thực hành, thực tập, mở ra cơ hội tìm việc sau khi tốt nghiệp", bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Theo baobacgiang.com.vn

User Online:12886

Total visited: 29408053