Chú trọng đào tạo thực hành, nâng cao tay nghề cho sinh viên
BẮC GIANG - Trong thời gian đào tạo toàn khóa, Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang cơ cấu gần 60% thời gian đưa học sinh, sinh viên (HSSV) nghề thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp (DN). Được tiếp cận với máy móc, trang thiết bị hiện đại sớm, kỹ năng nghề của HSSV nâng lên, mở ra cơ hội việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp.
Bảo đảm kỹ năng nghề
Những ngày cuối năm, có mặt tại xưởng may của Công ty cổ phần May thời trang (MTT) Hà Thanh, xã Hoàng Thanh (Hiệp Hòa), không khí làm việc thật khẩn trương. Trong số gần 900 lao động đang làm việc tại xưởng có 11 em sinh viên lớp Cao đẳng liên thông nghề MTT của Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang.
Theo chị Nguyễn Thị Lý, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty cổ phần MTT Hà Thanh, doanh nghiệp (DN) tiếp nhận 11 sinh viên đến thực hành nghề từ giữa tháng 11/2024 theo chương trình phối hợp đào tạo giữa DN và nhà trường.
Tại DN, sinh viên được bố trí chỗ ăn, ở và được hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt, đi lại. Đặc biệt, DN cử hai cán bộ có chứng chỉ sư phạm nghề MTT trực tiếp quản lý, hướng dẫn kỹ năng nghề cho các em. Nhờ đó, sinh viên sớm được tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng nghề được nâng lên.
“Chúng tôi bố trí, sắp xếp các em thực hành trực tiếp tại xưởng, bắt đầu từ khâu đơn giản đến phức tạp, bảo đảm sau 3 tháng, 100% sinh viên làm chủ được máy móc, trang thiết bị. Trong thời gian thực hành tại DN, chúng tôi thanh toán tiền công cho sinh viên theo sản phẩm các em làm ra”, chị Nguyễn Thị Lý cho biết.
Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang có quy mô đào tạo gần 1,7 nghìn HSSV; trong đó, học sinh học hệ song bằng 9+ (học văn hóa THPT kết hợp với trung cấp nghề) khoảng 1 nghìn học sinh, còn lại là hệ cao đẳng, sơ cấp.
Một trong những chính sách được nhà trường đặc biệt chú trọng là chương trình đào tạo kép. Thay vì giới hạn kiến thức trong phòng học, xưởng thực hành, HSSV được nhà trường kết nối đến các DN, cơ quan để thực tập, thực hành. Đặc biệt, từ năm học 2024-2025, nhà trường triển khai mô hình đào tạo “Học - Thực hành - Làm việc tại DN” đối với sinh viên hệ cao đẳng.
Theo đó, những sinh viên năm cuối của các ngành được nhà trường liên kết, gửi đến các DN thực hành, nâng cao kỹ năng nghề; thời gian thực hành chiếm 60% tổng chương trình toàn khóa học. Từ tháng 11/2024 đến nay, nhà trường đưa gần 100 sinh viên các lớp cao đẳng nghề: MTT, Hàn, Công nghệ ô tô và Điện tử công nghiệp thực hành tại DN trong và ngoài tỉnh.
Em Ngô Xuân Quyết, sinh viên lớp Cao đẳng liên thông nghề Hàn K3, hiện đang thực hành tại Công ty cổ phần INNOTEK, khu công nghiệp Quế Võ 2 (Bắc Ninh) cho biết: “Đến DN chuyên về hàn công nghiệp thực hành, chúng em được tiếp cận hầu hết các máy móc hiện đại, trong đó có cả rô bốt nên học được thêm nhiều kiến thức và kỹ năng mới”.
Đầu tư trang thiết bị, nâng chất lượng đào tạo
Năm học 2024-2025, Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang có 87 lớp, trong đó có 5 lớp hệ cao đẳng thuộc các nghề: Điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, hàn và MTT; còn lại hệ trung cấp.
Để nâng cao tay nghề, không chỉ liên kết với các DN đưa HSSV đến thực tập, những năm qua, Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang còn quan tâm đầu tư trang thiết bị.
Thực hiện Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025, từ năm 2020 đến nay, từ các nguồn vốn, nhà trường đầu tư hơn 43 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học, như: Mô phỏng thực hành nghề điện, công nghệ ô tô… Cùng đó, từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, năm 2024, nhà trường dành hơn 5 tỷ đồng mua máy may, máy vi tính để phục vụ học lý thuyết, thực hành tại trường.
Nhờ chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề cho học sinh, quan tâm kết nối, hỗ trợ tìm việc làm nên tỷ lệ HSSV Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang có việc làm sau khi ra trường cao. Qua theo dõi, kết thúc năm học 2023-2024, hơn 90% HSSV nhà trường được tuyển dụng vào vị trí việc làm đúng chuyên môn với mức thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/tháng.
Đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của HSSV, từ năm học 2025-2026, nhà trường sẽ mở thêm một số ngành, nghề mới như: Tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, thương mại điện tử, kế toán DN. Trong thời gian học tập tại trường, chúng tôi quan tâm lồng ghép học lý thuyết ngay tại xưởng, đồng thời tăng thời gian thực hành, thực tập tại DN. Qua đó giúp các em nâng cao kỹ năng nghề, tăng cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp và thích nghi nhanh với công việc thực tế”.
Theo baobacgiang.vn
- Lễ kết nạp Đảng viên mới ngày 03/12/2024 04/12/2024
- Cô giáo Lương Thị Tâm: Mỗi giải thưởng là động lực để thêm yêu nghề 22/11/2024
- Công an tỉnh Bắc Giang chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại huyện Yên Thế 20/11/2024
- Bắc Giang: 4/6 giáo viên đoạt giải tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc 13/11/2024
User Online:23358
Total visited: 29841379